Chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội trong nhiều lĩnh vực những năm gần đây, thành phố Hải Phòng luôn là nơi sở hữu nhiều tiềm năng tốt để phát triển kinh tế và đầu tư cho tương lai. Chính vì vậy, mới đây Quốc hội đã nhận được đề xuất về việc thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng để khai thác tiềm năng phát triển nền kinh tế hiện đại vượt trội và có nhiều đột phá hơn trong tương lai. Tuy nhiên, đây là một mô hình vô cùng mới ở Việt Nam nên cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng cũng như là đảm bảo nhiều yếu tố nghiêm ngặt trước khi quyết định được thông qua.
Mục Lục
Thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng
Với đề xuất thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng để tạo cơ chế đặc thù cho phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng. Mục đích là để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao. Chiều 11-10, tiếp tục phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP. Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề thành lập khu thương mại tự do. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Quốc hội quyết định thành lập. Theo đó, khu thương mại tự do sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá. Nơi đây có mô hình quản lý được tổ chức thành các khu chức năng. Chúng sẽ phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển.
Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, mô hình quản lý phù hợp đối với khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Qua đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện. Tiến hành báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Thận trọng trong việc hình thành khu thương mại tự do
Hiện khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đề cập đến khái niệm này. Song theo nghiên cứu các nước, ông Dũng cho biết một số mô hình thành công đã chỉ ra, việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu, đơn cử như UAE, Singapore và Trung Quốc.
Tuy nhiên, thẩm tra đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng “một số khía cạnh cần được nghiên cứu thận trọng, cụ thể”. Vì đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định. “Việc thành lập khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật. Vì vậy, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Cường nêu.
Đồng thời, theo tờ trình thì khu thương mại sẽ được hưởng các chính sách về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế… Tuy nhiên, tờ trình lại chưa làm rõ được nội hàm. Trong khi đó, những nội dung trên đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Vì vậy nên ông Cường cho rằng, việc cho phép Chính phủ quy định về các chính sách cho khu thương mại tự do là “chưa phù hợp về thẩm quyền”.
Những yếu tố cần thiết để đảm bảo mô hình thành công
Yếu tố quan trọng để bảo đảm sự thành công là nguồn lực. Bên cạnh đó đó là yêu cầu đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng. Song tờ trình vẫn chưa đánh giá và đề xuất phương án tài chính. Một số đề xuất được đưa ra cũng tương đồng với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018 vốn đã tạm dừng việc thông qua. Vì vậy, cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng. Mục đích là để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.
Cho đến nay, Thủ tướng ký 18 quyết định thành lập khu kinh tế ven biển. Hiện nay có 15 nơi đi vào hoạt động với diện tích hơn 7.300 km2. 3 nơi đang xây dựng có nhiều chính sách ưu đãi ở mức cao nhất. Tất cả đều do Chính phủ quyết định.
Khi làm khu kinh tế Vân phong, Chính phủ xin Quốc hội, Thường vụ Quốc hội một số chính sách. Tuy nhiên, trong đó thiếu thể chế và bộ máy hành chính vượt trội, thủ tục hành chính đơn giản. Đây là những vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ sở hạ tầng hiện nay hầu hết còn yếu. Đồng thời, ngân sách không biết bao giờ mới có đủ để xây dựng. Thêm vào đó là lao động, rồi thiếu nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, những nơi này phải có “ông cá mập” vào mới phát triển được.