Hải sâm trắng là loại hải sản đang được nuôi nhiều ở nước ta trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các địa phương ven biển. Hải sâm trắng có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và là vị thuốc tuyệt hảo nên có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để nuôi hải sâm trắng đạt được chất lượng và hiệu quả tốt nhất đòi hỏi người nuôi cần nắm rõ kiến thức về kỹ thuật nuôi cũng như cách chăm sóc và quản lý chúng. Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ với bà con một số thông tin về phương pháp nuôi hải sâm trắng để bà con có thể tham khảo và áp dụng vào vụ nuôi của mình.
Mục Lục
Lựa chọn bãi nuôi hải sâm trắng
Bãi nuôi hải sâm trắng nằm trong vịnh nửa kín, ít chịu tác động của sóng gió. Nơi có hải sâm trắng phân bố tự nhiên. Bãi nuôi đảm bảo các yếu tố môi trường có độ mặn 27 – 32‰; nhiệt độ nước 22 – 310C, pH 7 – 8,5. Bãi có đáy cát bùn, độ sâu bãi 0 – 0,3 m. Đồng thời không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm. Bãi nuôi yêu cầu có địa hình tương đối bằng phẳng.
Chuẩn bị lưới nuôi hải sâm
Lưới có mắt lưới 1 cm cắt theo kích thước 68 x 1.9 m. Lưới có mắt lưới 4,5 cm cát theo kích thước 4 x 30 m. Cắt lưới theo kích thước mắt lưới không kéo căng. Dùng kim và cước loại 3 mm khâu lưới cỡ mắt lưới 1 cm và lưới có kích thước mắt lưới 4,5 cm thành hình hộp chữ nhật không đáy. Dùng cước loại 8 mm làm giềng đỉnh lưới và đáy lưới; 4 góc đỉnh và đáy để 1,5 m giềng.
Cuộn lưới hoàn chỉnh từ đầu đến cuối để tiện cho việc dựng bãi. Cuốn nilon vào các cọc dài 1,9 m để chống hà, sùng bám. Vận chuyển toàn bộ dụng cụ cần thiết trong quá trình xây dựng bãi lên bè mảng nổi và di chuyển đến vị trí cần dựng bãi. Chờ khi thủy chiều xuống mức nước 0,5 – 0,7 m. Tiến hành cắm cọc bãi theo hình chữ nhật kích thước 4 x 30. Chiều dài bãi được dựng dọc từ cao triều xuống thấp chiều, khoảng cách các cọc 3 m. Sau đó dải lưới lồng và nâng lưới buộc vào các đỉnh cọc.
Đào rãnh dọc theo các cọc bãi để vùi giềng chân lưới. Buộc cọc dài 45 cm, vào giềng đáy với khoảng cách 0,5 – 0,6 m/cọc. Dùng xà beng tạo lỗ dưới rãnh để vùi cọc với khoảng cách các lỗ khoảng 0,5 – 0,6 m/lỗ. Sau đó cắm cọc xuống lỗ vừa tạo. Dùng xẻng vùi kín giềng đáy. Tạo hai cửa ở đầu bãi và cuối bãi để thuận tiện cho việc chăm sóc.
Chọn và thả hải sâm trắng giống
Hải sâm trắng có màu sắc tươi sáng, không bị dị hình. Con giống phải có kích thước đồng đều. Chiều dài trung bình 5 cm/con (tương đương với khối lượng 20 g/con).
Trước khi thả giống, tiến hành vệ sinh bãi ương, bắt hết địch hại. Thả giống vào ngày nước ròng, lúc trời mát, ít sóng gió. Thả hải sâm giống đều trên bề mặt bãi nuôi. Bà con cần thao tác nhẹ nhàng để tránh hải sâm bị lộn ruột và chết. Mật độ thích hợp: 5 con/m2, thời gian nuôi từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm.
Chăm sóc và quản lý lồng nuôi hải sâm
Hàng ngày theo dõi các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn, pH), tình trạng lồng. Đồng thời kiểm tra sức khỏe con giống cũng như khả năng vận động, bắt mồi trong suốt quá trình nuôi. Nếu có hải sâm chết cần phải loại bỏ ngay. Định kỳ 2 lần/tháng theo kỳ nước ròng diệt địch hại (ghẹ, cà khé, tôm). Đây là công tác quan trọng quyết định đến kết quả nuôi. Thường xuyên kiểm tra bãi nuôi nếu rách phải khâu vá. Bắt hải sâm lọt ra ngoài khi nước chuẩn bị lên.
Ở ngoài môi trường tự nhiên hải sâm là loài vật chuyên ăn xác chết của các động vật dưới biển như cá, tôm, cua, ốc,…Thức ăn của chúng là các loài phù du, chất hữu cơ tìm thấy dưới biển.
Do vậy tại một số tỉnh, người nuôi thường kết hợp nuôi hải sâm với ốc hương, tôm, cá vừa tiết kiệm được chi phí nuôi, lại hạn chế được lượng thức ăn thừa, phân của các vật nuôi khác ra môi trường gây ô nhiễm môi trường nuôi. Nếu nguồn thức ăn ổn định, chăm sóc tốt thì sau 8-10 tháng có thể thu hoạch hải sâm thương phẩm.