Cua xanh là loài thủy sản đang được nuôi khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Đây là loài cua có kích thước lớn, có giá trị kinh tế cao mang lại nhiều lợi ích như giúp cân bằng hệ sinh thái, làm thực phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì thế, các mô hình nuôi cua xanh đang được phát triển và cải tiến nhằm đem lại hiệu quả nuôi cao. Trong đó, nuôi cua xanh trong ao là một trong những hình thức được nhiều bà con lựa chọn. Tuy nhiên để cua xanh phát triển khỏe mạnh và đạt được chất lượng tốt, bà con cần phải nắm vững các kỹ thuật nuôi. Bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẻ phương pháp nuôi cua xanh trong ao để bà con có thể tham khảo.
Mục Lục
Chuẩn bị ao nuôi cua xanh
Diện tích ao từ 2.000-10.000m2, độ mặn thích hợp từ 10-25‰. Chuẩn bị ao: Làm đăng chắn quanh bờ bằng lưới mùng loại thưa, đăng tre… nghiêng về phía trong ao một góc 600. Đăng cao từ 0,8-1m và được chôn sâu 20-30cm.
Phía trong ao, cách bờ 2 – 3m, đào kênh rộng 3 – 4m bao quanh ao. Ở giữa ao đắp một cồn nổi cao hơn mặt nước ao 0,2-0,3m. Trong kênh nên bỏ thêm chà cho cua ẩn nấp. Hoặc cắm chà đều khắp ao, nhiều hơn ở khu vực gần bờ. Có 2 cống: cống cấp và cống thoát, cống thoát đặt sát đáy thông với kênh. Cải tạo tương tự phần ương cua.
Chọn và thả giống
Cua xanh có thể thả quanh năm, nhưng mùa vụ thích hợp nhất là vào tháng 3 – 6. Vì thời gian này, nguồn giống phong phú, điều kiện thời tiết và môi trường nước tương đối thuận lợi. Những tháng mùa mưa cũng có thể nuôi được. Nhưng do biến động lớn về nhiệt độ, độ mặn, độ phèn,…có thể là nguyên nhân gây bệnh cho cua xanh.
Giống cua gồm 2 nguồn chủ yếu là giống nhân tạo và tự nhiên. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay, nguồn cua giống nhân tạo chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu của thị trường. Còn lại vẫn dựa chủ yếu vào nguồn giống tự nhiên. Tuy nhiên so với nguồn cua giống tự nhiên, nguồn giống nhân tạo có nhiều ưu điểm vượt trội, kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao và tốc độ tăng trưởng nhanh
Cua giống khi mua phải có màu sắc tươi sáng tự nhiên, khỏe mạnh, đầy đủ que càng, đồng đều kích cỡ. Tốt nhất nên thả giống đã qua ương, có kích cỡ 2 – 2,5cm, mật độ 1 con/m2. Tốt nhất thả giống nhân tạo đồng cỡ và cùng lúc. Đối với hình thức nuôi tổng hợp (tôm – cua – cá), có thể thả mật độ cua 0,2 con/m2, tôm sú < 10 con/m2, cá < 0,1 con/m2.
Thả giống: Thả ở nhiều điểm khác nhau trong ao, thả cua trên mép bờ để cua tự bò xuống nước. Những con yếu thường nằm tại chỗ hoặc bò chậm. Ta thu lại cho vào giai để theo dõi và thả sau.
Cách quản lý và chăm sóc cua xanh
- Thức ăn chủ yếu là cá tạp hấp chín. Mỗi ngày cho cua ăn 4 lần vào 8 giờ, 11 giờ, 17 giờ, 22 giờ khoảng 4-6% trọng lượng cua, cho ăn nhiều vào buổi chiều tối.
- Thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau. Dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của cua.
- Định kỳ bắt cua cân đo, xem sinh trưởng của cua. Xem xét tình trạng của cua để có biện pháp xử lý kịp thời. Hoặc điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ.
- Mỗi ngày thay từ 20-30% lượng nước trong ao. Một tuần thay toàn bộ nước trong ao một lần.
- Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua.
- Thời gian cuối của vụ nuôi, trọng lượng cua tăng, cho ăn thức ăn nhiều nên môi trường rất dễ bị nhiễm bẩn. Thường xuyên thay nước, kiểm tra môi trường để điều chỉnh cho phù hợp cho sự phát triển của cua. Trong trường hợp đáy ao tích tụ nhiều thức ăn thừa, thối rữa, có thể phải tháo cạn, gạn cua và làm vệ sinh đáy ao.
- Không cho cua ăn thức ăn tươi sống vì dễ đưa mầm bệnh vào ao nuôi.
Thu hoạch cua xanh thương phẩm
Cua xanh thương phẩm phải đạt 250g/con trở lên, cua chắc thịt hoặc đã đầy gạch (cua cái). Những con chưa đạt kích thước, trọng lượng, cua ốp hoặc chưa đầy gạch nếu còn khoẻ mạnh thì có thể đem nuôi ở các ao nhỏ. Nuôi vỗ tích cực sau một thời gian để đạt tiêu chuẩn rồi thu hoạch.