Tôm hùm là loài tôm có kích thước lớn, thịt thơm ngon, bổ dưỡng nên có giá trị kinh tế cao. Do đó việc nuôi tôm hùm đang được đẩy mạnh ở nhiều địa phương vừa để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, vừa nhằm mục đích xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên tôm hùm là loài thủy sản dễ nhiễm bệnh nên cần phải được chăm sóc đúng cách nếu không sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng của tôm. Nhằm giúp bà con nắm được những kiến thức cơ bản trong việc nuôi tôm hùm, chúng tôi xin chia sẻ với bà con kỹ thuật nuôi tôm hùm trên lồng bè đạt hiệu quả cao.
Mục Lục
Lồng bè nuôi tôm hùm
Thiết kế lồng nuôi
Để tận dụng tối đa diện tích thì lồng nên thiết kế hình khối hộp vuông. Vì hình vuông có diện tích lớn nhất. Đồng thời lưu thông nước ở từng vị trí đặt lồng nuôi không theo một hướng nhất định. Lồng được đăng lưới 6 mặt. Mặt trên có nắp đậy để thuận tiện cho việc kiểm tra, vệ sinh lồng. Và có ống nhựa đường kính 100mm; chiều dài nhô lên khỏi mặt nước lúc triều cường trên 0,5m để cho tôm ăn.
Lồng nuôi thường có kích cỡ 3 x 3x 1,5m; 3 x 3,5 x 1,5m hoặc 2 x 3 x 1,2m, 3 x 2,5 x 1,2m. Đối với lồng bè, khung bè được làm bằng những cây tre già. Hoặc bằng cây gỗ có đường kính từ 10 – 15 cm, chắc chắn; chịu được sóng gió và nước biển. Chiều dài cây gỗ khoảng 4 – 6m, được liên kết lại với nhau bằng đinh vít và dây thép có đường kính từ 3 – 5mm tạo thành những ô lồng 3 x 5 m. Thường thì mỗi bè có 6 – 10 ô lồng, tùy theo khả năng đầu tư của từng người nuôi. Bè nuôi được giữ nổi bởi các phao làm bằng thùng phuy hoặc can nhựa. Bốn góc bè có 4 neo để giữ cho bè luôn ở thế ổn định.
Vị trí đặt lồng nuôi
Vị trí đặt lồng bè nuôi có nền đáy là cát hoặc cát pha bùn có lẫn san hô Gạc Nai và không bị ô nhiễm. Nên đặt lồng ở vùng nuôi có độ muối từ 30 – 33 phần nghìn; oxy hòa tan từ 6,2 – 7,2 mg/l, pH từ 7,5 – 8,5, nhiệt độ từ 24 – 31 độ C.
Nên đặt lồng bè nuôi ra vùng xa bờ, nơi có độ sâu mức nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là từ 4 – 8m (đối với lồng chìm) và hơn 8m (đối với lồng bè) để trao đổi nước tốt hơn. Khoảng cách giữa các lồng nuôi cần bố trí phù hợp để đảm bảo sự lưu thông nước tốt. Đối với các vùng nuôi tập trung nhiều lồng nên duy trì 30 – 60 lồng/ha mặt nước.
Mật độ thả tôm hùm giống
Mật độ ương nuôi tôm hùm tùy thuộc vào kích cỡ của tôm giống. Cỡ giống “tôm trắng” thả 30 – 40 con/m2 lồng. Cỡ giống 1,5 – 4,0 gr/con thả 25 – 30 con/m2 lồng. Cỡ giống 4 – 10 gr/con thả 15 – 20 con/m2 lồng. Cỡ giống 10 – 50 gr/con thả 10 – 15 con/m2 lồng. Cỡ giống 50 – 200 gr/con thả 7 – 10 con/m2 lồng. Cỡ giống hơn 200 gr/con trở lên thả 3 – 5 con/m2 lồng.
Khi tôm giống vận chuyển đến lồng nuôi ta tiến hành nâng dần nhiệt độ lên cho đến khi gần bằng với nhiệt độ môi trường nuôi bằng cách cho dần dần nước từ môi trường nuôi vào dụng cụ chứa tôm sau đó thả tôm vào các giai đã đặt sẵn trong lồng sau 30 -60 phút cho tôm hồi phục sức khỏe hoàn toàn ta mới thả tôm ra. Trong quá trình thả tôm phải thả tôm đực riêng, cái riêng. Và thả theo từng nhóm kích cỡ không nên thả chung.
Thức ăn cho tôm hùm
Chủ yếu là thức ăn tươi sống bao gồm các loại động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ…); động vật thân mềm (sò lông, sò đá, ốc bươu vàng…); nhuyễn thể hai mảnh vỏ (vẹm xanh…), các loài cá tạp. Trong đó, thức ăn là giáp xác đóng vai trò quyết định trong thành phần dinh dưỡng của tôm hùm nuôi.
Tuy nhiên, nên kết hợp ba loại thức ăn tươi là cá, giáp xác và thân mềm theo một tỷ lệ nhất định ở từng thời kỳ phát triển của tôm. Công thức cho ăn: 1 phần giáp xác + 1 phần thân mềm + 2 phần cá tạp. Tôm sẽ có tốc độ sinh trưởng nhanh.
Chăm sóc tôm và quản lý
Đối với cỡ tôm từ 200 gr/con trở lên, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối. Lượng cho ăn vào chiều tối chiếm 70% lượng thức ăn trong ngày. Thức ăn cho tôm có thể là nguyên con hoặc cắt nhỏ. Tùy loại thức ăn mà xác định lượng cho ăn hợp lý. Khẩu phần ăn hàng ngày bằng khoảng 15 – 17% khối lượng tôm thả.
Hàng ngày kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm. Và mức độ sử dụng thức ăn để có điều chỉnh hợp lý. Loại bỏ thức ăn thừa, vỏ tôm lột xác. Định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bịt lỗ lưới lồng.
Đối với các lồng nuôi tôm hùm con, do có mắt lưới nhỏ thường bị sun, hà bám. Vì vậy cần phải vệ sinh lồng định kỳ để tạo cho sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm. Khi tôm đạt kích cỡ 500 – 600 gr/con nên san thưa. Với mật độ 4 – 5 con/m2 lồng.
Trong quá trình quan sát thấy màu chất đáy có màu nâu và sinh vật đáy chủ yếu là nhuyễn thể thì đó là dấu hiệu tốt. Nếu chất đáy có màu đen đậm, mùi khó chịu và sinh vật đáy chủ yếu là giun nhiều tơ thì đó là những dấu hiệu không tốt. Không nên tiến hành vụ nuôi hoặc phải di chuyển lồng nuôi đến nơi thích hợp. Trường hợp phát hiện tôm bị bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và các cơ quan có chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thu hoạch
Sau thời gian nuôi từ 12 -15 tháng tùy vào cỡ giống, mật độ nuôi và mức độ đầu tư tôm có thể đạt khối lượng từ 1,2 kg/con trở lên ta tiến hành thu tỉa những con có khối lượng lớn, cứng vỏ, không mang trứng vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Phương pháp vận chuyển đến nơi tiêu thụ tương tự như cách vận chuyển tôm giống đến nơi thả nuôi.