Ao nuôi chính là thành phần trung tâm của cả hệ thống, là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của quá trình nuôi tôm. Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng mà ao nuôi có thể ở dạng ao đất, lót bạt hoặc là bê tông. Diện tích, hình dạng, độ sâu và hệ thống cấp thoát nước hay các thiết bị phụ trợ của ao sẽ có sự khác nhau giữa các cơ sở hoặc vùng nuôi. Khi dịch bệnh xảy ra, các ao tôm dù đã được cải tạo vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và rủi ro rất cao. Việc thay đổi hình thức nuôi và đa dạng đối tượng nuôi chính là một trong những cách tốt nhất để có thể giảm thiểu rủi ro.
Mục Lục
Cải tạo lại ao
Thực hiện tốt công tác cải tạo ao trước mỗi vụ nuôi:
- Loại bỏ bùn đáy ra khỏi ao nuôi và cho vào ao chứa bùn. Có thể thực hiện cải tạo khô hoặc ướt tùy điều kiện thực tế.
- Ngâm rửa nền đáy ao.
- Kiểm tra độ pH đất đáy ao để tính toán lượng vôi bón vào ao. Lượng vôi dùng phụ thuộc vào pH của đáy ao (theo quy trình kỹ thuật nuôi tôm).
- Lấy nước vào ao (qua lưới lọc) đạt 1 – 1,2 m và ngâm 3 – 4 ngày.
- Xả bỏ nước trong ao và phơi đáy ao lại 7 – 10 ngày trước khi lấy nước vào gây màu để chuẩn bị thả tôm.
- Sử dụng các chất diệt khuẩn như: Chlorine, BKC, thuốc tím,… Đánh quanh ao để loại bỏ hoàn toàn các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, cấy vi sinh để ổn định màu nước và tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển. Nên kiểm tra các yếu tố như pH, độ kiềm, độ mặn,.. trước khi thả giống.
Thay đổi hình thức nuôi sao cho phù hợp
Dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở những hộ nuôi tôm có diện tích nhỏ. Không có hệ thống ao chứa, ao lắng để xử lý nước. Nên khi một ao bị bệnh rất dễ bị lây lan sang các ao còn lại. Thậm chí là lây lan ra môi trường xung quanh làm bùng thành dịch trên toàn vùng nuôi. Để phòng bệnh, người nuôi tôm tại nhiều địa phương đã có những hình thức nuôi tôm phù hợp, hiệu quả.
Những mô hình nuôi xen ghép tôm – cá, tôm – lúa; nuôi ghép tôm hùm với vẹm xanh, cá hay nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá rô phi đơn tính… Đặc điểm chung của các mô hình này là sử dụng vật nuôi ghép để ăn thức ăn dư thừa và làm sạch môi trường. Cả đối tượng nuôi chính là tôm và các đối tượng nuôi ghép phụ đều có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Đặc biệt trong quá trình nuôi ít hoặc không sử dụng hóa chất nên sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn.
Đa dạng đối tượng nuôi để mầm bệnh dần mất đi
Hiện nay, đa phần người nuôi tôm bị thiệt hại đều muốn thả tiếp để gỡ lại. Tuy nhiên, việc cải tạo và thả lại có thể đạt kết quả không như mong muốn. Bởi vì tôm vẫn rất mẫn cảm với mầm bệnh còn trong đất và nước nuôi. Đa dạng đối tượng nuôi chính là cách thay đổi vật chủ. Làm cho mầm bệnh trên tôm mất dần đi. Môi trường ao tôm được trở nên tốt hơn. Người nuôi tôm có thể nuôi một vụ tôm ăn chắc. Sau đó là nuôi cá hoặc nhuyễn thể… ở vụ tiếp theo sau đó mới lại nuôi tôm. Thay vì nuôi 2 hoặc 3 vụ tôm liên tục trên cùng diện tích như hiện nay.
Người nuôi cũng cần áp dụng những mô hình nuôi tôm theo sinh thái, bền vững. Sử dụng các ao nuôi riêng các loại đối tượng. Để lọc nước trước khi lấy nước vào ao tôm hoặc xử lý nước thải của ao nuôi tôm. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, người nuôi tôm cần phải chủ động. Lựa chọn phương pháp nuôi tôm cho phù hợp nhằm tránh những thiệt hại. Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì dịch bệnh trên tôm hiện nay vẫn còn diễn biến rất phức tạp.