Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng công nghệ số để bắt kịp thời đại là vô cùng quan trọng. Chính điều đó mà những năm gần đây, các tỉnh, thành phố của Việt Nam liên tục thưc hiện nhiều bước tiến tích cực cho công cuộc chuyển đổi số. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ chỉ số chuyển đổi số đã được công bố gần đây đón nhận một kết quả đầy bất ngờ khi Đà Nẵng vượt qua các thành phố lớn để vươn lên dẫn đầu về thành tích này với nhiều kết quả ấn tượng.
Mục Lục
Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng DTI cấp tỉnh năm 2020
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố báo cáo đánh giá chuyển đổi số của các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2020. Theo đó, Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố gồm 3 cấp là chỉ số chuyển đổi số (CĐS) cấp tỉnh, chỉ số CĐS cấp bộ và chỉ số CĐS cấp quốc gia.
Trong đó, Chỉ số CĐS cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chuyển đổi nhận thức, đánh giá về kiến tạo thể chế, đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, đánh giá về thông tin và dữ liệu số, đánh giá về hoạt động CĐS, đánh giá về an toàn an ninh mạng, đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực.
Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau. Trong mỗi chỉ số thành phần còn có các tiêu chí. Kết quả xếp hạng DTI cấp tỉnh năm 2020 cho thấy TP. Đà Nẵng vươn lên dẫn đầu, kế đến là Thừa Thiên – Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh.
Những kết quả ấn tượng được ghi nhận
Để có thể xếp hạng nhất ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, báo cáo cho biết, TP. Đà Nẵng đã có những kết quả ấn tượng trong việc chuyển đổi số. Đơn cử như về Đề án chuyển đổi số thành phố, Đà Nẵng đứng nhất 12 năm liên tiếp về ICT index trong các tỉnh thành. Đồng thời kết quả còn ghi nhận Đề án đạt giải thưởng ASOCIO smart city 2019. Bên cạnh đó, thành phố cũng thành lập trung tâm giám sát. Nơi đây có 200 camera giao thông thông minh, 1.800 camera an ninh chuyên dụng, 34.500 camera giám sát huy động từ người dân, doanh nghiệp…
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng triển khai cổng dữ liệu mở. Nó cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Có 100% đơn vị y tế triển khai ứng dụng y tế điện tử trên nền tảng chung. 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng ứng dụng và tiện ích trên môi trường số,…
Mục tiêu về chuyển đổi số đến năm 2025 của Đà Nẵng
Theo Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa Thành phố thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.
Đến năm 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP TP. Đà Nẵng. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Mục tiêu sẽ có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân. Đồng thời, sẽ có ít nhất 5 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Mục tiêu đến năm 2030, TP. Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số. Lúc này địa phương cũng hình thành thành phố thông minh. Đà Nẵng sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%. Năm 2030 sẽ có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ có ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.