Các loại cây có múi như bưởi, cam, chanh hay quýt là những loại cây có giá trị kinh tế cao và được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, khi vào mùa mưa, những loại cây này thường bị nấm bệnh tấn công.
Hiện nay, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của cây có múi, trong đó nổi bật nhất là bệnh ghẻ, nếu kiểm soát không đúng cách sẽ mất giá trị thương phẩm vì làm cho bề mặt vỏ sần sùi. Vì vậy chúng ta cần hiểu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Cây có múi là nhóm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhưng khi bị sâu bệnh, đặc biệt là bệnh ghẻ, bệnh sẽ gây thiệt hại về kinh tế, mẫu mã quả kém, giảm giá trị kinh tế. Bài viết dưới đây sẽ giúp bà con nhận biết triệu chứng bệnh loại bệnh này để có biện pháp chủ động phòng trị bệnh cho cây có múi.
Mục Lục
Đặc điểm nhận biết
Các vết bệnh ban đầu như những gai nhọn nhô ra khỏi mặt lá, cành non hoặc quả. Giai đoạn sau, những gai nhọn chuyển màu nâu có kích thước 1-2 mm. Lá bệnh thường biến dạng, cong về một phía. Cây con bị nặng sẽ lùn, phát triển kém. Trên quả các vết bệnh nối lại thành những mảng lớn nhỏ làm cho vỏ quả sần sùi, quả không lớn được.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh sẹo còn gọi là bệnh ghẻ (ghẻ nhám, ghẻ lồi) do nấm Elsinoe fawcetti gây nên. Nấm gây bệnh sẹo thuộc lớp nấm túi Ascomycetes.
Đặc điểm phát sinh phát triển
Nấm có thể phát triển ở điều kiện nhiệt độ từ 15-28oC. Tuy nhiên nhiệt độ tối thích để nấm phát triển là 20-24oC, tối cao là 28oC(nấm bị kìm hãm phát triển khi nhiệt độ trên 28oC). Nấm tồn tại trong mô ký chủ, gặp điều kiện thích hợp hình thành bào tử phân sinh, lan truyền nhờ gió và nước. Bào tử phân sinh chỉ nảy mầm trong điều kiện có giọt nước hoặc có độ ẩm cao. Vì vậy thường sau các trận mưa bào tử mới lan truyền xâm nhập vào các mô còn non, quả non, lá non khi dài trên 1cm rất dễ nhiễm bệnh.
Nấm gây bệnh bằng cách xâm nhập trực tiếp hoặc qua vết thương hở. Sau khi tràng hoa rụng nấm xâm nhập vào quả non và lộc hạ, lộc thu là thời kỳ bệnh phát triển mạnh nhất trong năm. Đến mùa đông khô lạnh bệnh ít hoặc ngừng hẳn. Bệnh ghẻ sẹo phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện: có ký chủ mẫn cảm bệnh. Các bộ phận trên mặt đất như lá non; quả non chưa đến giai đoạn thuần thục, có đủ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.
Mức độ nhiễm bệnh của cây có liên quan đến tỷ lệ nước trong mô và tuổi của cây (lá non chứa 75% nước rất dễ nhiễm bệnh). Bệnh hại nặng ở chanh, quýt và nhẹ hơn ở cam, bưởi. Ngoài ra khả năng nhiễm bệnh của cây còn phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc, điều kiện đất đai, tưới tiêu… Cây được chăm sóc tốt, dinh dưỡng cân đối sẽ nâng cao sức đề kháng, cây ít nhiễm bệnh.
Biện pháp phòng trừ
– Phun phòng bệnh cho cây con ở vườn ươm. Trồng cây giống sạch bệnh.
– Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán cho vườn cây thông thoáng.
– Cắt bỏ và tiêu hủy những cành lá bị bệnh, hạn chế mầm bệnh lây lan.
– Bón phân hợp lý theo từng giai đoạn để tránh ra chồi non liên tục. Giảm lượng phân đạm bón cho cây, ngưng phun phân bón lá lúc cây đang bệnh.
– Sử dụng một số loại thuốc như Booc-đô 1%, Zineb 0,2% phun phòng vào giai đoạn cây con.
– Trên vườn cây có múi ở thời kỳ kinh doanh cần phun sau mỗi đợt lộc cũng như giai đoạn vừa đậu quả bằng một trong các loại thuốc sau :
+ Kumulus 80 DF: pha 30-40 g/bình 8 lít
+ Polyram 80 DF: pha 25-30 g/bình 8 lít nước
+ Bavistin 50 FL: pha 5-10 ml/bình 8 lít
+ Bemyl 50 WP: pha 20-25 g/bình 8 lít
+ Carbenda 50 SC: 5-10 ml/bình 8 lít.