Trong nền kinh tế hiện đại ngày nay, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa qua con đường biển rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, vì vậy các hoạt động Cảng container luôn nhận được sự quan tâm lớn của giới chức trách. Mới đây, bảng xếp hạng Chỉ số Hoạt động Cảng container năm 2021 đã được công bố với tín hiệu không mấy khả quan khi hai Cảng container xử lý hàng hóa nhiều nhất ở Mỹ lại đứng gần vị trí cuối. Bên cạnh đó, một tín hiệu tốt cho Việt Nam khi có 3 Cảng container có các vị trí thuộc top 50 trong bảng xếp hạng.
Mục Lục
Hai Cảng container Long Beach và Los Angeles đứng gần cuối bảng xếp hạng CPPI
Mới đây, Reuters đã dẫn số liệu từ bảng xếp hạng Chỉ số Hoạt động Cảng container năm 2021 do Ngân hàng Thế giới (Word Bank – WB) phối hợp với IHS Markit thực hiện. Theo đó, Long Beach và Los Angeles là những cảng biển xử lý nhiều hàng hóa nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng lại đứng cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số Hoạt động Cảng container (CPPI).
Hạ tầng chuỗi cung ứng Mỹ xử lý chậm trễ hàng hóa
Chỉ số Hoạt động Cảng container được đánh giá và tính điểm dựa trên nhiều chỉ số khác nhau. Chúng đưa ra so sánh về mức độ hiệu quả của các cảng trên toàn cầu. Qua đó CPPI sẽ xác định những khiếm khuyết và cơ hội mà các cảng có thể cải thiện. Điều này tạo thuận lợi cho các bên liên quan từ các hãng vận tải, chính phủ đến khách hàng.
Trong 351 cảng được đánh giá, WB và IHS Markit xếp cảng Los Angeles đứng gần cuối (thứ 328). Cảng Long Beach gần đó bị xếp hạng thấp hơn, đứng ở vị trí 333. Nó đứng sau cả cảng Mombasa của Kenya. Ngày 18/10 vừa qua, cả hai cảng ghi nhận tổng số tàu chờ để dỡ hàng ngoài cảng lên mức kỷ lục mọi thời đại – 100 tàu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ hiện tại là xu hướng mua sắm, nhập khẩu hàng hóa của người Mỹ tăng vọt, trong khi hạ tầng chuỗi cung ứng Mỹ lại không thể xử lý. Từ đó, điều này đã dẫn đến trì hoãn, tắc nghẽn.
Mỹ đang tăng cường hiện đại hóa hạ tầng cảng biển
Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Nơi đây có giá trị lưu thông hàng hóa lên đến 2,5 nghìn tỷ USD. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang thúc đẩy thông qua ngân sách liên bang. Nó sẽ giúp hiện đại hóa hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có cảng biển. Hàng loạt cảng biển ở nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn nhiều cảng tại Mỹ. Điều này chính nhờ sự kết hợp kiểm soát của chính phủ, tự động hóa và vận hành 24/7.
Việt Nam có 3 Cảng container lọt top 50 trong bảng xếp hạng CPPI
Quay lại bảng xếp hạng Chỉ số Hoạt động Cảng container năm 2021 nói trên, châu Á, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực có nhiều cảng chiếm lĩnh top 50 cảng hiệu quả nhất thế giới. Theo đó, cảng Yokohama (Nhật Bản) đứng vị trí thứ nhất. Theo sau là cảng King Abdullah tại Saudi Arabia. Đứng thứ 3 là cảng Chiwan (Thâm Quyến, Trung Quốc). Đáng chú ý, trong top 50 cảng xuất hiện tên 3 cảng của Việt Nam. Cảng Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) được xếp ở vị trí 46. Cảng Hải Phòng chiếm vị trí 47 và Cái Mép (Vũng Tàu) đứng ở vị trí 49.
Trước đó, IHS Markit dẫn lời ông Martin Humphreys, nhà kinh tế vận tải hàng đầu và lãnh đạo toàn cầu về kết nối vận tải, hội nhập khu vực thuộc WB: “Hạ tầng Cảng container hiệu quả, chất lượng cao chính là nhân tố quan trọng, đóng góp vào chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu thành công ở các nước đã và đang phát triển”.
Theo ông Martin, các cảng hoạt động hiệu quả sẽ đảm bảo kết nối kinh doanh, cải thiện độ linh hoạt cho những cửa ngõ hàng hải vốn là mấu chốt quan trọng trong hệ thống logistics toàn cầu. Hiện nay, hơn 4/5 thương mại hàng hóa toàn cầu đang được vận chuyển theo đường biển. Trong đó, khoảng 35% trong tổng lượng hàng, chiếm 60% giá trị thương mại hàng hóa, được vận tải bằng container.
Việt Nam đang triển khai vấn đề xanh hóa cảng biển
Giai đoạn 2023-2025, công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng cảng biển, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí về “cảng xanh” tại Việt Nam cũng sẽ được triển khai.
“Cảng xanh” tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính với thang điểm cụ thể. Chúng tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng container. Tuy nhiên, việc “xanh hóa” cảng biển còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Doanh nghiệp thiếu vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng.